Nhiều người dân phá bỏ vườn cà phê để trồng chanh dây

Chặt rồi lại trồng- cái vòng luẩn quẩn 

Xã La Nhin (huyện Chư Păh) là một trong những địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp trồng chanh dây nên năng suất cao, chất lượng tốt. Chính vì vậy, diện tích trồng chanh dây tại địa phương này ngày càng tăng mạnh trong những năm qua. 

Ông Hoàng Văn Hoà (thôn la Sik, xã La Nhin) cho biết, vườn cà phê của gia đình trồng từ năm 1988 nên đã già cỗi, năng suất thấp, cần phải phá bỏ để thực hiện tái canh. Tuy nhiên, trước khi tái canh cà phê, phải mất hơn 1 năm thực hiện cải tạo đất bằng cách trồng những cây ngắn ngày. Sau đó, thấy phong trào trồng chanh dây ngày càng nhiều, giá cũng cao nên gia đình quyết định đầu tư trồng. 

Năm ngoái, gia đình trồng 2 sào chanh dây cho thu hoạch hơn 4 tấn/ sào, giá thời điểm bấy giờ gần 20.000 đồng/kh, gia đình thu về khoảng 150 triệu đồng. Năm nay, gia đình tiếp tục phá bỏ 3 sào cà phê già cỗi để trồng chanh dây. Tuy nhiên, do năm nay chanh dây bị sâu bệnh, dẫn đến năng suất giảm, doanh thu từ 3 sào chỉ khoảng 60-70 triệu đồng. 

Vườn cà phê bị chặt hạ chuẩn bị trồng chanh dây

Ông Phạm Bá Năm, chủ tịch UBND xã La Nhin cũng thừa nhận, trên địa bàn người dân đang đổ xô trồng chanh dây ở mức báo động. Ông Năm cho biết, hàng tháng họp giao ban, ông cũng đã yêu cầu các thôn trưởng định hướng, tuyên truyền người dân phải thận trọng với việc ồ ạt tăng diện tích trồng chanh dây. Trong đó, lo ngại nhất là vấn đề cung- cầu bị phá vỡ. 

"Chanh dây đang cho lợi nhuận cao, chỉ cần làm 5 sào là đã cho doanh thu cao hơn 2ha cà phê nên người dân ồ ạt trồng. Biết rằng, các hộ dân chủ yếu phá bỏ cà phê già cỗi để trồng chanh dây, với ý định 1-2 năm sau sẽ quay lại tái canh cà phê. Tuy nhiên, cây chanh dây chưa thực sự bền vững nên chúng tôi khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích trồng thuần mà chỉ nên trồng xen canh với các loại cây khác". ông Năm chia sẻ. 

Đó là chưa kể đến việc phát triển ồ ạt cây chanh dây nếu không đi kèm với các giải pháp quản lý chất lượng cây giống, phòng trừ sâu bệnh hại một cách căn cơ, bài bản thì rất dễ bùng phát sâu bệnh, bởi đây là cây trồng rất dễ nhiễm các bệnh nguy hiểm, dễ có nguy cơ bị "xoá sổ". 

HIện giá chanh dây đang ở mức cao nên người dân mở rộng diện tích loại cây trồng này

Gia Lai là một trong những tỉnh có diện tích trồng chanh dây nhiều nhất khu vực Tây Nguyên. Trong thời gian qua, diện tích loại cây trồng này tăng nhanh khi người dân sẵn sàng chuyển đổi các vườn cà phê kém hiệu quả để trồng chanh dây. Năm 2022, toàn huyện Mang Yang có 382ha chanh dây thì 3 tháng đầu năm nay đã răng gần 500ha. Còn năm 2016, toàn huyện Chư Păh chỉ có vài chục hécta trồng chanh dây thì nay đã tăng lên 500ha. Các huyện khác như Đăk Đoa, Chư Prông, La Grai...diện tích trồng chanh dây cũng tăng lên từng ngày. 

Bài học giải cứu chanh dây vẫn còn đó. 

Hiện 1ha cây chanh được đầu tư 150 triệu đồng, với giá hiện tại khoảng 14.000 đồng/kg loại chanh bình thường và 35.000 đồng/kg chanh chọn để xuất khẩu, người trồng có thể thu nhập 300-400 triệu đồng mỗi năm, cao gấp 3 lần trồng cà phê. 

Thế nhưng, trước tình trạng ồ ạt phá bỏ cà phê trồng chanh dây, nhiều người không khỏi lo lắng khi nhớ đến tình cảnh ôm nợ vì chanh dây 6 năm trước. Đước biết, những năm 2016-2017, phong trào trồng chanh dây đã từng bùng phát tại Gia Lai, khi đó giá chanh dây trên thị trường, không ít lần biến động tăng giảm, thậm chí có lúc rớt thảm, khiến nông dân thua lỗ nặng. Còn tại thời điểm này, khi chanh dây đang ổn định, người dân ồ ạt trồng mới mà không hề tính đến đầu ra sản phẩm có bền vững lâu dài hay không. 

Để cây chanh dây phát triển bền vững, rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương và liên kết với các doanh nghiệp.

Ông Lê Văn Thanh, giám đốc HTX sản xuất- thương mại- dịch vụ- du lịch nông nghiệp La Mơ Nông (huyện Chư Păh), cho rằng nhiều nông dân chặt bỏ cà phê để trồng chanh dây là điều đáng báo động.

Ông Thanh cũng cho biết, trồng chanh dây cũng tốt, nhưng phải tham gia vào chuỗi liên kết, ký hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp để đảm bảo thị trường đầu ra cho sản phẩm. Còn hiện tại, diện tích tăng quá nhiều, dẫn đến sản lượng quá lớn, trong khi công suất của các nhà máy tiêu thụ không đáp ứng hết sản lượng thu mua cho người dân. Khi đó, giá chanh dây sẽ xuống thấp, người dân lại thua lỗ là điều khó tránh khỏi.

Còn theo ông Võ Minh Quang, trưởng phòng NN&PTNT huyện Mang Yang, cũng cho rằng các địa phương cần khuyến cáo nông dân không nên vì lợi nhuận trước mắt mà ồ ạt mở rộng diện tích trồng chanh dây. HIện nay, người dân trồng chanh dây vẫn thiếu gắn kết chặt chẽ với cơ sở chế biến. Đa phần diện tích trồng chanh dây còn ở quy mô nông hộ, chưa hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi bền vững. 

Chanh dây cho lợi nhuận cao nên người dân ồ ạt trồng

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Gia Lai, cho biết toàn tỉnh hiện có 4.500ha trồng chanh dây. Theo quy hoạch, đến năm 2025 diện tích tăng lên khoảng 25.000ha. Đây là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai trong thời gian tới vì so với nhiều loại cây trồng khác, cây chanh dây đang cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần. 

Trước tình trạng người dân ồ ạt chặt cà phê để trông chanh dây, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản yêu cầu các địa phương khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích trồng chanh dây tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; quản lý chặt chẽ chất lượng cây giống... Để phát triển bền vững cần xây dựng kế hoạch phát triển theo vùng tập trung, gắn với đầu tư hạ tầng, chế biến./.

Nguồn: Báo Thương hiệu và sản phẩm

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Công ty  Cổ phần Emi Nhật Bản

Địa chỉ: Thửa đất GD 1-15 Cụm công nghiệp Ngọc Hồi – Thanh Trì – Hà Nội

Hotline: 024 3640 8795

Website: eminhatban.com

Tham khảo các bài viết khác về nông nghiệp, bà con truy cập: https://www.facebook.com/eminhatban

0 Bình luận

Gửi ý kiến của bạn cho chúng tôi




popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Hotline: 024 3640 8795
zalo